BREAKING NEWS

Wednesday, January 18, 2017

Nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng và các dấu hiệu nhận biết

Suy dinh dưỡng là một căn bệnh thường thấy ở trẻ em đặc biệt là những trẻ dưới 3 tuổi. Nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng thể chất của trẻ sau này nếu như mắc bệnh quá lâu trong giai đoạn đang phát triển. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần phải nắm rõ những nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh suy dinh dưỡng để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của các bé.
Suy dinh dưỡng là gì?
Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm cũng như các yếu tố vi lượng khác để đảm bảo cho cơ thể phát triển. Đây là tình trạng bệnh lý hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
Nguyên nhân trẻ suy dinh dưỡng
  • Do dinh dưỡng: Nuôi trẻ không đúng phương pháp khi mẹ thiếu hoặc mất sữa, cho trẻ ăn bổ sung không đúng cả về số lượng và chất lượng, nguyên nhân quan trọng nhất hay gặp là do bà mẹ thiếu kiến thức dinh dưỡng hoặc không có thời gian chăm sóc con cái.
  • Do ốm đau kéo dài: Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa nhiều lần, biến chứng sau các bệnh viêm phổi, sởi, lỵ…
  • Do thể tạng dị tật: Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, các dị tật sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh.
  • Do điều kiện kinh tế xã hội: Suy dinh dưỡng là một bệnh của nghèo nàn và lạc hậu, có liên quan đến kinh tế, văn hóa, dân trí. Đây là mô hình hệ bệnh tật đặc trưng của các nước đang phát triển.
Muốn biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không các bà mẹ cần phải theo dõi cân nặng thường xuyên cho trẻ trên biểu đồ phát triển. Nếu thấy 2-3 tháng liền trẻ không tăng cân cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.
Theo tiêu chuẩn cân nặng/tuổi người ta chia suy dinh dưỡng làm 3 độ:
  • Suy dinh dưỡng Độ I: Trọng lượng còn 90% so với tuổi
  • Suy dinh dưỡng Độ II: Trọng lượng còn 75% so với tuổi
  • Suy dinh dưỡng Độ III: Trọng lượng còn dưới 60% so với tuổi.
Dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thấy con vui chơi bình thường mà không thường xuyên theo dõi cân nặng của con là một sai lầm dẫn đến việc không phát hiện ra con mình đang bị suy dinh dưỡng.
  • Không lên cân hoặc giảm cân
  • Teo mỡ ở cánh tay, thịt nhẽo.
  • Teo nhỏ: mất hết lớp mỡ dưới da bụng.
  • Da xanh, tóc thưa rụng dễ gãy, đổi màu.
  • Ăn kém, hay bị rối loạn tiêu hóa: ỉa phân sống, ỉa chảy hay gặp.
  • Chậm tăng cân, đứng cân hoặc sụt cân
  • Trẻ chậm phát triển vận động.
  • Trẻ thường biếng ăn, ăn ít, môi xanh, niêm mạc mắt nhợt nhạt, hay buồn bực,ít vui chơi, kém linh hoạt
  • Thể nặng: Có phù hoặc teo đét, có thể biểu hiện của thiếu vitamin gây quáng gà, khô giác mạc đến loét giác mạc. Hiện nay thể nặng rất hiếm gặp.
trẻ bị suy dinh dưỡngTrẻ suy dinh dưỡng biếng ăn, môi xanh, mắt nhợt nhạt
Để xác định trẻ có suy dinh dưỡng hay không, ngoài việc quan sát các dấu hiệu trên, cha mẹ còn có thể dựa vào các chỉ số chuẩn để so sánh với con mình. Cách thứ nhất là dựa vào cân nặng theo tuổi. Khi trẻ mới sinh nặng cỡ 3 kg, sau 5 tháng tăng gấp đôi, 12 tháng tăng gấp ba; sau đó mỗi năm tăng thêm 2 kg. Khi bé 6 tuổi thì cân nặng phải là 20 kg. Nếu ở vùng xa không có cân, có thể đo vòng cánh tay trẻ 1-5 tuổi. Trẻ bình thường 14-15 cm; nếu dưới 13 cm là suy dinh dưỡng.
Cách thứ hai là dựa vào chiều cao theo tuổi. Khi mới sinh trẻ dài 50 cm, 6 tháng dài 65 cm, 12 tháng: 75 cm, 2 tuổi: 85 cm, 3 tuổi: 95 cm, 4 tuổi: 100 cm. Sau đó, mỗi năm chiều cao tăng thêm 5 cm, khi bé 8 tuổi phải cao 120 cm.
Trẻ dễ bị suy dinh dưỡng nhất trong khoảng thời gian từ 6 đến 24 tháng tuổi. Đây là thời kỳ các em bé có nhu cầu dinh dưỡng cao, đang tập thích ứng với môi trường và rất nhạy cảm với bệnh tật; nhất là những trẻ không được bú sữa mẹ, sinh nhẹ cân hoặc sinh đa thai. Những cháu ở gia đình đông con, điều kiện vệ sinh kém hoặc đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn (như sởi, tiêu chảy hay viêm đường hô hấp) cũng dễ bị suy dinh dưỡng.
Nguồn tổng hợp

Share this:

Post a Comment

 
Copyright © 2014 Kiến Thức Phổ Thông. Designed by OddThemes