BREAKING NEWS

Wednesday, July 27, 2016

10 bài tập buổi sáng giúp tăng cường năng lượng

Chỉ cần dành một vài phút tập luyện ngay sau khi thức dậy mỗi sáng, bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo, thư giãn và tràn đầy năng lượng cho một ngày làm việc hiệu quả.


10 bài tập buổi sáng giúp tăng cường năng lượng



Xoay người: Đứng, chân rộng bằng vai, 2 tay thả lỏng và bắt đầu xoay cơ thể, lưng thẳng và tăng tốc độ xoay dần dần. Lưu ý là bạn cần giữ thẳng người và không di chuyển vị trí. Bạn có thể thực hiện bài tập này đến khi cảm thấy thoải mái, nhưng nên đếm số nhịp hít vào - thở ra theo bội số của 6, chẳng hạn 6 nhịp (3-3), 12 nhịp (6-6)...Mục đích của bài tập là giúp thư giãn cánh tay và vai.


​
Giữ thăng bằng: Đứng bằng chân phải, nâng chân trái lên sao cho đùi song song với mặt đất hoặc cao hơn nhất có thể. Giơ tay trái lên cao nhưng không cần thẳng, tay phải hạ xuống. Lòng bàn tay xòe ra và thoải mái như thể bạn đang cầm 2 quả bóng. Sau đó, nhắm mắt lại và cố gắng giữ thăng bằng. Lặp lại động tác 3-5 lần, mỗi lần cố gắng không ít hơn 10 giây. Mục đích của bài tập là rèn luyện sự nhanh nhẹn, cân bằng, phối hợp và cải thiện quá trình lưu thông máu ở chân.


Cuộn người: Ngồi trên sàn nhà, giơ 2 chân lên phía trước, 2 tay chạm vào chân. Sau đó, ngửa ra sau, cuộn tròn với trọng lực dồn vào lưng, cố gắng cuộn càng tròn càng tốt. Rồi trở về vị trí ban đầu. Lặp lại động tác trong nhiều chu kỳ thở, tối thiểu là 12 lần. Bài tập giúp rèn luyện xương sống, cải thiện máu lưu thông qua tủy sống, giảm căng thẳng và mệt mỏi.


Lắc lư: Nằm xuống, tay phải đặt lên vai trái và tay trái đặt lên vai phải, ôm chặt. Sau đó nâng phần thân lên trên rồi hạ xuống sao cho đầu không chạm đất. Cố gắng thực hiện động tác tối thiểu 12 lần. Mục đích của bài tập là giúp thư giãn cột sống, đặc biệt là phần xương bả vai.


​
Duỗi thẳng người: Nằm ngửa, 2 tay duỗi thẳng qua đầu và đan chéo nhau. Chân thẳng, khép lại. Bạn có thể thực hiện động tác này cho đến khi thực sự thoải mái. Bài tập giúp thả lỏng cơ thể và thư giãn, nên làm ngay sau khi thực hiện bài tập lắc lư và cuộn.


Tư thế cây nến: Nằm ngửa với 2 chân mở rộng, đặt tay lên hông, làm điểm tựa khi bạn duỗi thẳng 2 chân hướng lên trần nhà. Đặt áp lực lên cánh tay thay vì các cơ ở phần cổ. Thực hiện động tác nhiều lần. Mục đích của bài tập là giúp cải thiện lưu lượng máu trong não, tạo hiệu ứng có lợi cho toàn bộ cơ thể.


Tư thế rắn hổ mang: Nằm sấp, phần đầu và nửa phần thân trên nhổm lên lấy 2 cẳng tay song song làm trụ. Mắt nhìn thẳng, hạ thấp vai và thân từ từ. Lặp lại động tác nhiều lần. Bài tập sẽ giúp lưng chắc, xương sống linh hoạt hơn.


Gập người: Ngồi theo tư thế quỳ, giữ cho 2 đầu gối sát nhau. Từ từ nằm sấp xuống sàn sao cho đầu cúi sát đất, 2 tay khoanh tròn trước đầu gối hoặc duỗi thẳng về phái trước. Tập động tác tới khi thư giãn hoàn toàn. Mục đích của bài tập là kích thích cơ quan tiêu hóa và ngăn chặn canxi ngưng tụ trong các khớp xương.

Tư thế bện dây thừng: Ngồi trên sàn với chân phải co lại, ép sát vào đùi, chân trái bắt chéo qua chân phải, tay trái chống ra sau làm điểm tựa và tay phải đặt nhẹ lên đùi chân trái. Xoay người theo hướng tay trái. Thực hiện bài tập cho đến khi thoải mái, duy trì nhịp thở đều đặn. Bài tập giúp cải thiện sự linh hoạt của xương sống, kéo dài cơ bắp và giảm kích thước vòng eo.


Căng giãn lưng: Đứng thẳng, 2 chân rộng bằng vai, 2 tay giơ lên, duỗi thẳng sang 2 bên, vuông góc với cơ thể. Giữ tư thế này trong vài nhịp thở, rồi nghiêng người sao cho tay phải chạm vào đầu gối chân phải, tay trái giơ thẳng lên cao, mắt nhìn thẳng. Duy trì động tác vài nhịp thở, rồi tiếp tục đưa tay phải chạm mũi chân trái, tay trái vẫn giữ thẳng. Sau khi hoàn tất, bạn có thể đổi bên. Bài tập này giúp tăng cường cột sống, giảm căng cơ bắp và dây chằng.

Từng bán công ty cho IBM với giá 2 tỷ USD, người đàn ông này đang xây dựng đế chế Startup mới

Sau khi bán đi công ty của mình cho IBM với giá 2 tỷ USD, Lance Crosby giờ đây lại trở thành người thực hiện công việc sáp nhập các doanh nghiệp khác. StackPath, công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo mật công nghệ mà Crosby thành lập vào năm ngoái đã đem về 180 triệu USD và mua lại ít nhất 4 startup khác.


Từng bán công ty cho IBM với giá 2 tỷ USD, người đàn ông này đang xây dựng đế chế Startup mới
Chiến lược này có vẻ khá lạ thường đối với một công ty chỉ vừa mới bắt đầu hoạt động. Khoản huy động tài chính trị giá 150 triệu USD từ công ty có vốn tư nhân ABRY Partners đã trở thành khoản đầu tư lớn thứ 2 trong năm nay đối với một công ty startup, theo doanh nghiệp phân tích PitchBook. (Vị trí thứ nhất thuộc về công ty startup xe hơi tự động Zoox Inc.)
Crosby đã được đánh giá rất cao sau khi sáng lập SoftLayer ngay tại phòng khách của mình từ một thập kỷ trước và bán lại nó cho IBM vào năm 2013 với giá 2 tỷ USD. Thương vụ sáp nhập này đã tạo điều kiện cho bước nhảy vọt về vận hành “đám mây” Big Blue. Sau khi rời IBM vào năm ngoái, Crosby nói rằng sẽ dành 3 tháng để nghiện cứu về ngành công nghiệp bảo mật công nghệ.
Ông đã tìm hiểu về mối quan hệ có khá nhiều bất đồng giữa những nhà phát triển phần mềm ưa thích ship code và các đồng nghiệp khác của họ - những người muốn đề cao tính bảo mật của sản phẩm.
Rất nhiều nhà phát triển nhận định các giao thức bảo mật quá rườm rà và cũng là điều cản trở họ đưa sản phẩm đến tay người dùng một cách nhanh chóng, Crosby nói. Những người viết mật mã thường hoàn toàn bỏ qua các chính sách về bảo mật và kết quả là những quản trị viên về bảo mật thường coi họ là “kẻ thù” của mình.
Để tối giản hóa quá trình này, StackPath đang phát triển những công cụ bảo mật mà những người lập trình có thể nhanh chóng đưa vào các đoạn code của họ. Công ty startup này còn đưa ra các công cụ mà có thể thu thập dữ liệu từ tất cả các phần mềm bảo mật người dùng đang sử dụng, bao gồm cả những phần mềm được tạo ra bởi các công ty khác. Cổng kết nối này được thiết kế để tìm kiếm các cảnh báo quan trọng nhất nhằm giúp nhận diện và tiêu diệt những mối nguy hại cho hệ thống.
Các doanh nghiệp có thể sẽ đăng ký những dịch vụ này của StackPath, giống với cách Amazon.com đã bán các không gian trên đám mây trên nền tảng được định giá theo khối lượng sử dụng. Công ty startup Dallas cũng sẽ bước đầu nhắm vào các công ty internet cỡ nhỏ, Crosby nói. Phần mềm này sẽ đặc biệt hữu dụng cho những người sử dụng ứng dụng - nơi có chứa rất nhiều lỗ hổng bảo mật.
‘Cả thế giới đã phải chấp nhận sự thật rằng nếu đó là ứng dụng của người tiêu dùng, nó không hề an toàn chút nào cả.”, Crosby nói. “Nhưng lại không có lý do nào giải thích cho điều đó.”
Nhờ việc lấy được thị phần khá lớn từ 4 công ty startup bảo mật công nghệ vừa mua lại, StackPath hiện đã có khoảng 30.000 khách hàng, từ những doanh nghiệp startup nhỏ đến những công ty có giá trị lớn nhất thế giới.
StackPath đang triển khai các server ảo ở 25 địa điểm có dân số lớn trên thế giới, bao gồm New York và Miami. Điều này cho phép StackPath cung cấp dịch vụ một cách nhanh nhất. Công ty cũng đã dành khoản đầu tư 10 triệu USD để xây dựng thêm cơ sở hạ tầng cho dịch vụ này.

Tuesday, July 26, 2016

Nước mắm Masan: Khi thành, bại đều bắt nguồn từ nỗi sợ hãi

Thành công từ năm 2007 nhờ tuyệt chiêu marketing “nước tương không chứa 3MCPD” đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng thời điểm đó, nước tương Tam Thái Tử và nước mắm Nam Ngư vươn lên dẫn đầu thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, khi đã vững vàng ở ngôi vương, vị thế nước mắm của Masan lại lung lay. Lần này, cũng không có gì ngoài hai từ “sợ hãi”.
    Nước mắm Masan: Khi thành, bại đều bắt nguồn từ nỗi sợ hãi
    Năm 2015, công ty chuyên nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố, trong nhóm các mặt hàng tiêu dùng nhanh, 3 cái tên Unilever, Vinamilk và Masan có năm thứ 4 liên tiếp dẫn đầu nhóm những nhà sản xuất sở hữu các thương hiệu được chọn mua nhiều nhất tại Việt Nam.
    Khảo sát tại 4 thành phố lớn và khu vực nông thôn cho thấy, nước mắm Nam Ngư của Masan dẫn đầu ở khu vực nông thôn và xếp thứ 2 tại khu vực thành phố.
    Bảng xếp hạng này, so với năm trước đó, không có gì thay đổi. Nam Ngư vài năm trở lại đây vẫn luôn xếp vị trí số 1 trong sản phẩm nước mắm. Theo báo cáo của Nielsen, Masan Consumer hiện chiếm 68% thị phần thị phần nước mắm với 2 thương hiệu đinh là Chin-su và Nam Ngư.
    Theo công bố từ phía công ty, hiện trung bình mỗi năm Masan phục vụ người dùng Việt trên 200 triệu lít nước mắm, trên tổng số khoảng 350 triệu lít nước mắm cả nước sử dụng mỗi năm.
    Câu chuyện leo lên vị trí số 1 của chai nước mắm Masan khá dài khi cũng phải tốn gần 10 năm để thành công. Tuy nhiên, tựu chung có 3 điểm nhấn chính: sản phẩm, hệ thống kênh phân phối và chiến lược marketing.
    Trong đó, hệ thống phân phối với gần 200.000 điểm bán hàng và tuyệt chiêu marketing “đánh vào nỗi sợ hãi” đã rất nổi tiếng, gắn liền với rất nhiều sản phẩm của Masan chứ không chỉ riêng nước mắm.
    Năm 2007, khi người tiêu dùng trong nước lo sợ trước nguy cơ nước tương bị nhiễm 3MCPD, Masan đã rất nhanh tay khi tung ra nước tương Tam Thái Tử với thông điệp “nước tương không chứa 3MCPD”.
    Đánh trúng tâm lý sợ hãi cùng với hệ thống phân phối rộng, Tam Thái Tử nhanh chóng vươn lên dẫn đầu thị trường nước tương.
    Thị trường nước mắm từng bị phân mảnh dần quy về một mối khi năm 2012, theo báo cáo của Euromonitor, Masan nắm giữ tới 80% thị phần nước mắm.
    10 năm sau thành công vang dội, nước mắm của Masan vẫn đang yên vị ngôi đầu, với danh mục sản phẩm nước mắm, nước chấm đã đa dạng hóa hơn trước rất nhiều.
    Mặc dù vậy, khi đã vững vàng ở ngôi vương, vị thế nước mắm của Masan lại có nguy cơ lung lay. Lần này, cơn ác mộng không ngoài hai từ “sợ hãi”.
    Nỗi sợ hãi lần này, mang tên “nước mắm công nghiệp”
    Vậy nước mắm công nghiệp là gì? Đó là 1 định nghĩa đối lập với “nước mắm truyền thống”. Nước mắm công nghiệp mua nguyên liệu từ các làng mắm truyền thống về pha chế và thêm hóa chất, phụ gia vào. Trong khi đó, nước mắm truyền thống chỉ có muối và cá biển.
    Bằng cách đưa vào tâm trí người tiêu dùng một nỗi sợ hãi mới mang tên “hóa chất”, “công nghiệp”, các Doanh nghiệp nước mắm tự xưng mình là nước mắm truyền thống để mang tới cảm giác an toàn cho người tiêu dùng. Thông tin đặc biệt hiệu quả trong thời điểm sự cảnh giác về ô nhiễm môi trường, tình trạng cá chết tràn lan của người Việt Nam đang tăng cao.
    Chiến lược này, thoạt nghe không khác gì nhiều với những gì Masan đã làm cách đây 10 năm với “nước tương không chứa chất 3MCPD”.
    Trên thực tế, khi dòng sản phẩm nước mắm có dấu hiệu bùng nổ vào năm 2007, Masan đã ý thức xây dựng nguồn sản xuất nước mắm cốt quy mô riêng. Năm 2008, nhà thùng Masan tại Phú Quốc ra đời với tổng diện tích khoảng 22.000 mét vuông, cho tới nay có khoảng 448 thùng ủ chượp, sức chứa khoảng 10.000 tấn cá.
    
Nhà thùng Masan tại Phú Quốc
    Nhà thùng Masan tại Phú Quốc
    Được biết, công suất nhà thùng tại Phú Quốc vào khoảng 10 triệu lít mỗi năm, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng nước mắm cốt của Masan. Phần còn lại, Masan phải tiến hành thu mua từ các nhà thùng đối tác tại Phú Quốc cũng như các cơ sở nước mắm nổi tiếng khác như Liên Thành, Khải Hoàn, Đại Nguyên.
    “Sức mua của Masan chiếm tới 60% tổng sản lượng nước mắm ở các vùng sản xuất nước mắm cốt chính gồm Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết hay Kiên Giang”, đại diện Masan chia sẻ.
    Về cơ bản, nhà thùng của Masan tại Phú Quốc cũng tiến hành quá trình ủ chượp dài 9 – 12 tháng tương tự như các nhà thùng làm nước mắm khác, với nguyên liệu chủ yếu là cá cơm.
    Vấn đề nằm ở chỗ, lượng nước mắm cốt tại đây và những địa điểm được thu mua, sẽ được vận chuyển tới nhà máy của Masan tại Bình Dương để tiến hành pha chế, rồi mới trở thành nước mắm Chin-su hay Nam Ngư trên bàn ăn của các gia đình.
    Vậy nước mắm của Masan có phải “nước mắm công nghiệp”?
    Trước hết, hãy xem lại khái niệm “nước mắm truyền thống”
    Ông Phạm Ngọc Dũng, nguyên phó chủ tịch hội nước chấm Tp.HCM, người có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nước mắm khẳng định, “không có định nghĩa nào là nước mắm truyền thống cả. Đây chỉ là khái niệm do các DN sản xuất nước mắm sáng tạo ra để hấp dẫn người tiêu dùng”.
    Theo ông Dũng, có lẽ “nước mắm truyền thống” mà mọi người hay nhắc tới chính là “nước mắm cốt”- loại nước mắm nguyên liệu của các DN sản xuất nước mắm, và nước mắm truyền thống thì sẽ bán luôn nước mắm cốt mà không pha thêm gì cả.
    Từng đứng đầu một doanh nghiệp Nhà nước chiếm thị phần nước mắm khá lớn từ giai đoạn đổi mới, ông Dũng khẳng định, chắc chắn toàn bộ nước mắm hiện đang được bày bán trên thị trường đều không phải nước mắm cốt mà phải qua pha chế. Lý do rất đơn giản: nước mắm cốt chỉ có muối và cá, rất… mặn và khó ăn.
    
Nước mắm cốt được rút ra từ thùng chượp
    Nước mắm cốt được rút ra từ thùng chượp
    “Không phải chỉ để đáp ứng vấn đề sản lượng và giảm giá thành, việc nước mắm được pha chế ra còn để dễ ăn hơn. Nếu thời kỳ đất nước còn khó khăn, mọi người dùng nước mắm như một nguồn bổ sung lượng đạm còn thiếu thay cho đạm động vật từ thịt thì ngày nay, nước mắm chỉ giống như một loại gia vị, nước chấm, vì thế mọi người cũng thích ăn nó nhạt hơn, đa dạng vị hơn. Và để làm được điều đó, chắc chắn nước mắm sẽ phải qua pha chế”, ông Dũng nhận định.
    Vì vậy, điểm khác nhau lớn nhất giữa các DN nước mắm, đó là họ đang pha chế gì vào trong sản phẩm của mình. Nếu dùng phụ gia an toàn, được cấp phép thì đó là nước mắm an toàn, và ngược lại.
    Cá nhân ông Dũng tin rằng, rất khó có chuyện các DN sản xuất nước mắm pha thêm phụ gia bị cấm vào nước mắm, thay vào đó, chủ yếu các đơn vị nhỏ lẻ sản xuất nước mắm không nhãn mác mới áp dụng hình thức này. Sau đó, một số DN tận dụng để khuếch đại nỗi sợ hãi trong lòng người tiêu dùng.
    Rõ ràng, với tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan và ô nhiễm môi trường như Việt Nam hiện nay, chiến lược quảng bá đánh vào nỗi sợ hãi người tiêu dùng không bao giờ lỗi thời.
    Vậy tại sao lần này, Masan không nhảy vào thực hiện một chiến lược quảng cáo tương tự như những gì họ đã làm cách đây 10 năm?
    Giờ đây, Masan đã trong top những tập đoàn lớn nhất nước và có đủ tiềm lực để tạo ra một chiến dịch quảng cáo sâu rộng hơn bất kỳ một thương hiệu nước mắm nào khác.
    Vấn đề có lẽ nằm ở tính rủi ro cao. Dù có thể tạo tiếng vang, marketing dựa trên nỗi sợ hãi cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi, đặc biệt là khi lời quảng bá đưa ra không đúng sự thực.
    Cách đây chưa lâu, người ta đã từng chứng kiến chiến dịch “máy lọc nước Omega có thể ngăn ngừa mỡ máu” của Kangaroo. Khi bị phát hiện gian dối và người tiêu dùng tẩy chay, thương hiệu này đã phải loại bỏ hết những hình ảnh của chiến dịch quảng cáo này. Niềm tin của người tiêu dùng với máy lọc nước Kangaroo cũng bị ảnh hưởng theo.
    Niềm tin và đạo đức trong kinh doanh là một khái niệm trừu tượng, nhưng lại có thể ảnh hưởng rất rõ rệt tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
    Không giống 10 năm trước, Masan giờ đã có vị thế lớn trên thị trường nước mắm, và họ không muốn mạo hiểm. Và không chỉ Masan, DN nào tự tin với lời quảng bá bán “nước mắm truyền thống” 100% tự nhiên chỉ có muối và cá, cũng nên cân nhắc hậu quả tương tự.

    Bán lẻ và bất động sản Việt Nam là 2 miếng bánh hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhất

    Theo thống kê của Diễn đàn M&A Việt nam, 5 thương vụ thâu tóm lớn nhất giai đoạn 2015-2016 có tổng giá trị 2,68 tỷ USD. Trong đó, 2 thương vụ lớn nhất thuộc ngành bán lẻ và 3 thương vụ còn lại thuộc lĩnh vực bất động sản.

      Bán lẻ và bất động sản Việt Nam là 2 miếng bánh hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhất
      Hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2015 đã đạt mốc kỷ lục trong 10 năm qua với giá trị 5,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2014.
      Xu hướng M&A vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ khi chỉ trong 6 tháng đầu năm, giá trị đã lên tới 3 tỷ USD.
      Quan sát các thương vụ M&A, có thể thấy xu hướng nổi bật nhất là M&A trong ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng, với mục tiêu thâm nhập và mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, còn có một số thương vụ bất động sản đáng chú ý. Dưới đây là 5 thương vụ lớn nhất, trong đó 2 thương vụ bán lẻ và 3 thương vụ là bất động sản.
      1. Central Group mua Big C Việt Nam - 1,14 tỷ USD
      Cuối tháng 4 vừa qua, tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group đã mua lại chuỗi bán lẻ siêu thị Big C Việt Nam từ tay tập đoàn casino (Pháp) với giá trị 1,14 tỷ USD. Thương vụ này giúp tập đoàn Thái Lan sở hữu 33 siêu thị cùng 10 cửa hàng thực phẩm tiện lợi và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn.
      Central Group đã vượt qua tới 20 đối thủ trong và ngoài nước như Aeon (Nhật), Lotte (Hàn Quốc), BJC (Thái Lan), Saigon Coop, Masan...
      2. TCC Holdings mua Metro Việt Nam - 711 triệu USD
      Cũng trong lĩnh vực bán lẻ, đầu tháng 1/2016 vừa qua, Tập đoàn Metro AG của Đức đã có thông báo hoàn tất bán công ty Metro Cash & Carry Việt Nam cho tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan.
      Metro Việt Nam bao gồm 19 siêu thị và nhiều bất động sản có liên quan đã được mua với giá 655 triệu euro, tương đương 711 triệu USD.
      3. Mirae Asset mua Keangnam Landmark Tower 72 - 382 triệu USD
      Giữa tháng 4/2016, Công ty chứng khoán Mirae Asset của Hàn Quốc đã quyết định bắt tay với tập đoàn AON BGN rót tổng cộng 500 tỷ won vào Keangnam Landmark 72, toà nhà giữ kỷ lục cao nhất Việt Nam với độ cao 350m.
      Đây là khoản đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Mirae Asset. Vào tháng 9 năm ngoái, Mirae Asset đã lên kế hoạch giải ngân 1.200 tỷ won (1,05 tỷ USD) để đa dạng hoá danh mục đầu tư của mình.
      4. Keppel Land mua Empire City - 234 triệu USD
      Tổ hợp Empire City toạ lạc tại khu đô thị mới Thủ Thiêm do 2 đối tác trong nước là Bất động sản Tiến Phước và bất động sản Trần Thái sở hữu 50%, và 50% còn lại do đối tác nước ngoài Gaw Capital nắm giữ.
      Theo Diễn đàn M&A Việt Nam, Keppel Land đã mua 100% Empire City với giá trị 234 triệu USD. Đây là dự án được cấp phép hồi tháng 6 năm ngoái, với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên tới 1,2 tỷ USD.
      5. Mapletree Investments mua Kumho Asiana Plaza - 215 triệu USD

      Cũng trong lĩnh vực bất động sản, tháng 6 vừa qua Tập đoàn Mapletree đã tuyên bố mua lại dự án Kumho Asiana Plaza tại Quận 1 TPHCM từ liên doanh Hàn Quốc là Kumho Industrial và Asiana Airlines.
      Dù Mapletree không công khai số tiền nhưng các phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho rằng giá trị thương vụ lên đến 215 triệu USD. Đây là thương vụ lớn nhất liên quan đến tài sản tạo thu nhập tại Việt Nam, đồng thời phù hợp với chiến lược của tập đoàn.

      Wednesday, July 13, 2016

      Dự án 4 tỷ USD của ông Hạnh Nguyễn và các NĐT Mỹ sẽ có khách sạn 5 sao, nhà hát Opera, bến du thuyền

      Trên diện tích 11 ha, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cùng 3 nhà đầu tư Mỹ sẽ đổ 4 tỷ USD để xây dựng khu tổ hợp chung cư, khách sạn 5 sao, tháp tài chính, nhà hát Opera và bến du thuyền.
      Dự án 4 tỷ USD của ông Hạnh Nguyễn và các NĐT Mỹ sẽ có khách sạn 5 sao, nhà hát Opera, bến du thuyền
      Theo thiết kế của Steelman Partners, khu vực tiếp giáp với hồ trung tâm sẽ là 6 bến du thuyền, sau đó là các công viên điều hòa, và một nhà hát ngoài trời. Khu vực nhà hát này sẽ có điểm tổ chức các buổi nhạc nước và ánh sáng hoặc các sự kiện cưới ngoài trời. Nơi đây cũng sẽ đặt hệ thống nhà hàng và các trung tâm mua sắm, bán lẻ.
      Khu vực giữa sẽ là nơi dành riêng cho hệ thống khách sạn 5-6 sao, gồm 3 tòa nhà cao trên 20 tầng, kết nối với nhau tạo thành hệ thống vòng cung đẹp mắt. Trên đỉnh của hệ thống khách sạn này, chủ đầu tư dự kiến đặt hai bể bơi ngoài trời và một nhà hàng.
      Ngoài tổ hợp khách sạn trên, dự án 4 tỷ USD sẽ xây thêm một khách sạn hình cánh bướm ngay trước tháp tài chính 70 tầng. Theo mô tả của Steelman Partners, hình ảnh cánh bướm biểu tượng cho sự thay đổi, thể hiện khát vọng vươn tới điều tốt đẹp khi đã hội tụ đủ sức mạnh, tiềm năng.
      Đây cũng được coi là kỳ vọng của nhóm nhà đầu tư khi muốn biến Thủ Thiêm trở thành một tổ hợp mang tiêu chuẩn quốc tế, thu hút đầu tư cũng như tiêu dùng, xóa "quy hoạch treo" đã tồn tại suốt 10 năm tại bán đảo này.
      Vùng trung tâm của vòng cung khách sạn sẽ là nhà hát opera, được thiết kế dựa trên cảm hứng từ những tấm lưới đánh cá - vốn gắn liền với sinh kế của rất nhiều người dân Việt Nam.
      Vòng ngoài cùng là khu chung cư cao cấp, và tháp tài chính cao 72 tầng. Theo mô tả của Steelman Partners, tòa tháp sẽ mang tên TPP (theo tên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP). Phía trong tòa tháp sẽ có khu vườn nhiệt đới trong nhà, vừa nhằm giúp điều hòa không khí cho công trình phủ kính này, vừa thể hiện ý tưởng về sự phát triển tiềm năng ngành nông nghiệp Việt Nam nếu TPP được thông qua.
      Tuy nhiên, công trình 70 tầng này cũng được xem là điểm tắc của dự án, do vênh quá nhiều so với quy hoạch đã có khoảng 10 năm trước của Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo đó, quy hoạch cũ chỉ cho phép các công trình có chiều cao dao động từ 4 đến 50 tầng, trong khi dự án này cao vượt hơn hẳn.
      Theo đề xuất, nếu được thông qua, dự án sẽ có khoảng 3 năm 2 tháng để hoàn thành việc xây dựng các hạng mục, trong đó quá trình hoàn thiện các thiết kế chi tiết sẽ phải mất khoảng 15 tháng. Sau khi hoàn tất, dự án sẽ có 3 tháng để chạy thử, chào hàng, trước khi đi vào vận hành chính thức.
      Một số hình ảnh phối cảnh đề xuất của dự án:
      
Hình ảnh mặt cắt góc thẳng 90 độ của dự án.
      Hình ảnh mặt cắt góc thẳng 90 độ của dự án.
      
Hệ thống khách sạn 5-6 sao tọa lạc tại trung tâm của tổ hợp.
      Hệ thống khách sạn 5-6 sao tọa lạc tại trung tâm của tổ hợp.
      
Khu mua sắm, sân khấu ngoài trời và nhà hát opera.
      Khu mua sắm, sân khấu ngoài trời và nhà hát opera.

      Tự truyện CEO Starbucks: Xây dựng một hệ thống quản lý công ty là việc tôi cũng không làm được

      Một doanh nghiệp không có định hướng hay tầm nhìn cũng như một cái xác không hồn và rất khó để khuyến khích nhân viên làm việc vì một mục tiêu cao đẹp hơn. Tuy nhiên, một công ty không thể hoạt động và lớn mạnh mà chỉ có ý tưởng không được. Rất nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản bởi người quản lý không biết cách điều hành.

      Tự truyện CEO Starbucks: Xây dựng một hệ thống quản lý công ty là việc tôi cũng không làm được
      Không ai nghi ngờ niềm đam mê của Howard Schultz, CEO Starbucks với cà phê. Tuy nhiên, để một bộ máy ngày càng phình to hoạt động trơn tru, chỉ có niềm đam mê thôi là chưa đủ. Starbucks cần phải có một cơ chế điều hành và quản lý chặt chẽ. Điều này càng quan trọng hơn khi Starbucks luôn phải tiếp xúc với người dùng đầu cuối, vốn khó tính và đôi khi, không biết mình thực sự muốn gì.
      Dù sao thì, Howard Shultz có biệt tài nhìn ra điểm mạnh của người khác để bù đắp cho những thiếu sót của ông. Trong cuốn sách “Pour your heart into it” (Dốc hết trái tim), ông đã chia sẻ suy nghĩ của mình về điều này.
      Giám đốc tài chính Orin Smith đã từng nói với tôi rằng việc xây dựng hệ thống quản lý cho một doanh nghiệp là rất khó.
      Một doanh nghiệp không có định hướng hay tầm nhìn cũng như một cái xác không hồn và rất khó để khuyến khích nhân viên làm việc vì một mục tiêu cao đẹp hơn.
      Tuy nhiên, một công ty không thể hoạt động và lớn mạnh mà chỉ có ý tưởng không được. Rất nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản bởi người quản lý không biết cách điều hành.
      Hệ thống quản lý, các quy định, trình tự làm việc và những yếu tố cơ bản khác trong công ty là điều cần thiết để xây dụng một doanh nghiệp trước khi những ý tưởng được thực hiện và tầm nhìn của nhà quản lý được thực thi.
      Đây quả là một điều khó khăn với đội ngũ quản lý như chúng tôi. Tôi đã luôn lo sợ rằng khi công ty mở rộng và trở nên lớn mạnh, Starbucks sẽ trở nên quan liêu, cứng nhắc và chỉ chú trọng đến những lợi ích thực tế thay vì những giá trị phi vật thể mà các nhà sáng lập ban đầu hướng tới.
      Để thành công, tôi cho rằng các mô hình kinh doanh cần cân bằng giữa 2 yếu tố: niềm đam mê, những giá trị phi vật thể và hệ thống quản lý chặt chẽ, tập trung vào những lợi ích thực tế.
      Vì vậy, những doanh nhân thành đạt là những người hiểu tầm nhìn cũng như ý tưởng của mình là gì, đồng thời biết phải cần một hệ thống quản lý cũng như cơ cấu công ty như thế nào để hiện thực hóa chúng.
      Đối với tôi, việc xây dựng một hệ thống quản lý và cơ cấu công ty yêu cầu những kỹ năng mà tôi không có đầy đủ. Chúng cũng không phải là niềm đam mê của tôi.
      Theo tôi, một nhà sáng lập có tầm nhìn nên tìm kiếm một nhà quản lý giỏi để thiết lập hệ thống cơ cấu kinh doanh mà không làm ảnh hưởng quá nhiều đến những giá trị phi vật thể mà ban đầu đặt ra. Tuy nhiên, người quản lý này cũng phải hiểu được tầm quan trọng của những quy định cứng nhắc cũng như những suy nghĩ thực tế trước các ý tưởng và tầm nhìn cao xa.
      Tại Starbucks, ông Orin là một nhà quản lý như vậy. Phong cách làm việc của ông Orin khá trầm tĩnh, vững chắc và chăm chỉ. Ông ấy luôn mang theo một cuốn sổ và một chiếc bút để ghi chú lại các vấn đề phát sinh, sau đó suy nghĩ cẩn thận trước khi đưa ra phương án giải quyết ổn thỏa nhất.
      Khác với ông Orin khi luôn lắng nghe cẩn thận và thu thập mọi thông tin có thể, tôi lại là người có thiên hướng ra quyết định nhanh chóng và bắt tay vào làm ngay lập tức.
      Khi ông Orin gia nhập Starbucks vào năm 1990, hệ thống quản lý của công ty khi đó vẫn chưa được chuyên nghiệp hóa. Thời kỳ đó, Starbucks vẫn còn là một doanh nghiệp non trẻ.
      Dẫu vậy, dù đã gia nhập Starbucks nhưng ông Orin không biến chúng tôi thành một tổ chức có cơ ấu hoạt động chuyên nghiệp cứng nhắc mà bỏ qua những giá trị ban đầu. Thay vào đó, ông Orin thiết lập một hệ thống quản lý linh động, vừa đủ tầm cho một công ty còn mới như Starbucks, đảm bảo mọi việc tiến hành theo quy định nhưng vẫn không làm mất đi bản sắc văn hóa của doanh nghiệp.

      Ông Orin Smith
      Ông Orin đã thuê những nhân viên chuyên ngành làm thời vụ cho các vị trí quan trọng như kế toán, tài chính, thuế và luật pháp, quản lý thông tin... và dần chuyên nghiệp hóa các khâu hoạt động của công ty.
      Trong quá trình hoàn thiện cơ cấu tổ chức với Orin, tôi nhận ra rằng việc chuyên nghiệp hóa và tổ chức một bộ máy chặt chẽ không hoàn toàn xấu. Thay vào đó, chúng khiến Starbucks lớn mạnh và giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian giải quyết những vấn đề nhỏ cho những mục tiêu quan trọng hơn.
      Khi Starbucks phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đội ngũ lãnh đạo của chúng tôi được truyền thông chú ý nhiều hơn. Theo họ, tôi chỉ là một nhà sáng lập trẻ mới 38 tuổi với niềm đam mê, nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm và thực tế. Tuy nhiên, khi nhìn sang Orin, họ thấy một nahf lãnh đạo 50 tuổi ổn định, đáng tin cậy, và sẵn sàng giải thích mọi vấn đề về số liệu hay kỹ thuật cho nhà đầu tư.
      Ý tưởng của tôi và sự điều hành của Orin đã kết hợp hoàn hảo nhằm tạo nên thành công cho Starbucks. Công ty vẫn giữ được những giá trị vốn có trong khi đạt được lợi nhuận thực tế.
      Rất nhiều doanh nghiệp đã không thành công để có thể IPO hoặc sống sót sau IPO. Nguyên nhân là họ không giữ được những giá trị vốn có để khuyến khích nhân viên làm việc khi thiết lập một hệ thống kinh doanh quá thực tế, hoặc quá mù quáng theo đuổi những ý tưởng cao xa mà xa rời thực tại.
      Ông Orin như là một hậu phương vững chắc của Starbucks cho thành công của công ty, qua đó giúp tôi tập trung được vào những mục tiêu khác. Tại Starbucks, các cửa hàng chi nhánh, thương hiệu, phong cách... là những thành công và sự hào nhoáng bên ngoài, trong khi chính sự vững mạnh của hậu phương mới làm nên thành công về tài chính cho công ty như ngày hôm nay.
      Rõ ràng, ông Orin đã đóng góp to lớn cho sự thành công của Starbucks. Nếu không có nhà quản lý này, tôi đã không có được những gì như hôm nay.

      Tuesday, July 12, 2016

      TẠI SAO BÉ CHẬM TĂNG CÂN, LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHẮC PHỤC?

      Nếu bé chậm tăng cân, điều đầu tiên bạn cần làm là tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa để hiểu rõ nguyên nhân không tăng cân của bé.
      Cân nặng là một chỉ số quan trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé. Tuy nhiên, cần nhớ rằng sự tăng trưởng của mỗi bé là khác nhau, và riêng biệt. Cách tốt nhất để xác định tỷ lệ tăng trưởng của bé là dựa vào các yếu tố như chiều cao, cân nặng, tuổi tác của bé và những yếu tố này cần được xác định bởi bác sĩ. Việc xác định tỷ lệ này rất cần thiết cho việc xem xét sự phát triển của bé là bình thường hay thấp hơn chuẩn. Vì vậy, lời khuyên cho các bố mẹ là nên đến gặp các bác sĩ uy tín để có được câu trả lời chính xác cho nguyên nhân chậm tăng cân của bé.
      Nên gặp bác sĩ để tìm hiểu về nguyên nhân chậm tăng cân của bé
      Những lý do nào khiến bé không thể tăng cân?
      Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sự tăng cân của trẻ. Tuy nhiên nguyên nhân từ dinh dưỡng thường là nguyên nhân chính dẫn đến trẻ chậm tăng cân.
      Bệnh đường ruột cũng có thể làm bé chậm tăng cân, vì các chất dinh dưỡng không thể được tiêu hoá. Trường hợp này bạn nên gặp bác sĩ để nhận được những chuẩn đoán thích hợp.
      Nên thăm khám bác sĩ ngay lập tức nếu bé không tăng cân đạt chuẩn (đặc biệt là khi có sự chênh lệch quá lớn với chỉ số trung bình); ngoài việc thiếu cân bé còn có những triệu chứng đáng lo ngại khác như nôn mửa và sốt, hoặc có một số dấu hiệu của nhiễm trùng. Còn nếu bé trở nên chậm chạp, hơi phản ứng chậm, đi ngoài không đều, lượng nước tiểu ít - đây là dấu hiệu đáng quan tâm, nên đưa bé đến tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức.
      Trẻ trong thời giai đoạn mẹ hoàn toàn, có một số tiêu chí để đánh giá liệu bé đã bú đủ hay chưa. Đầu tiên mẹ cần biết bé ăn bao nhiêu lần một ngày, bé nên ăn ít nhất 7-8 lần một ngày. Thứ hai, mẹ có thể nhận định dựa vào hoạt động của bé, hoạt động càng nhanh nhẹn và khoẻ mạnh chứng tỏ bé cần hấp thụ lượng sữa nhiều hơn. Thứ 3 là lượng nước tiểu, số lần thấm ướt tã nhiều (5-6 lần/ngày)và nước tiểu vàng trong chứng tỏ bé bú đủ. Thứ 4 là số lần đi ngoài của bé, trung bình bé sẽ đi ngoài 4 lần 1 ngày, càng lớn tuổi, bé sẽ có nhu động ruột ít hơn.
      Bé nên bú ít nhất 7-8 lần/ ngày
      Các dấu hiệu chứng minh rằng bé của bạn không tăng cân như: tăng cân càng ngày ít hơn, chỉ số cân nặng thấp hơn chuẩn trung bình một bé cần có, bé chậm chạp.
      Bé 6 tháng tuổi thường tăng cân khoảng 800g/ tháng, và bắt đầu từ sáu tháng trở đi bé chỉ tăng khoảng 300-400g. Trẻ em có cân nặng sơ sinh thấp có thể tăng cân hàng tháng nhiều hơn mức chuẩn cần thiết.
      So sánh cân nặng của bé với cân nặng chuẩn (đường màu xanh)
      Nếu bé không tăng cân, nên chú ý đến tình trạng tổng thế của bé sẽ có những trường hợp sau: Nếu bé thường xuyên hoạt động, nhìn bé không bị xanh xao vàng vọt, thì không cần phải lo lắng. Nhưng nếu bé chỉ đạt dưới ba trăm gam một tháng, bạn cần tìm hiểu lý do bé tăng cân ít như vậy. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến việc chậm tăng cân của bé:
      • Bạn không cho bé bú cạn lần lượt từng vú, bé không nhận được hết chất béo trong sữa.
      • Bé có thể thiếu sắt trong khẩu phần dẫn đến thiếu máu, do đó bé không tăng cân.
      • Thường xuyên bị táo bón hoặc tiêu chảy, có thể là do bé bị các bệnh về đường tiêu hoá, hoặc bé bị giun. Để tìm hiểu rõ nguyên nhân nên đưa bé đến gặp bác sĩ.
      • Những vấn đề về thần kinh cũng dẫn đến việc chậm tăng cân của bé
      • Bé không tăng cân cũng có thể do sử dụng các thực phẩm bổ sung không đúng cách. Nếu trẻ không thích mùi vị của thức ăn bổ sung và từ chối ăn nó, cùng lúc đó bé còn nôn mửa, thì bạn nên tham khảo chuyên gia để điều chỉnh chế độ ăn uống cho bé tăng cân (xem thêm sữa nào giúp bé tang cân )
      • Bé không bú đủ, hoặc bú khi đang ngủ cũng khiến mức độ dinh dưỡng bé hấp thụ không đủ, và điều đó ảnh hưởng đến cân nặng của bé.
      • Chế độ ăn uống không cân bằng và chưa đủ các dưỡng chất như chất béo, carbohydrate, và các chất thiết yếu khác cũng khiến bé chậm tăng cân. Nếu bé đã lớn, nên thêm một chút bơ vào súp hoặc cháo của bé. Không nên cho bé ăn thức ăn có nhiều đường vì nó có tác động tiêu cực đến quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng và làm giảm sự thèm ăn của bé.  Trong trường hợp bé bị biếng ăn, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng vitamin và khoáng chất tổng hợp để giúp nâng cao sự thèm ăn.
      Trên đây là các dấu hiệu và nguyên nhân cảnh báo cho việc không tăng cân ở bé, bạn không nên trì hoãn việc đến gặp bác sĩ nếu bé bạn có những dấu hiệu trên. Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định kịp thời những nguyên nhân chậm tăng cân của bé, và tìm ra giải pháp cùng bạn.
       
      Copyright © 2014 Kiến Thức Phổ Thông. Designed by OddThemes