BREAKING NEWS

Saturday, September 12, 2015

Chúng Em Nhận ra Mình là Một Phần Quan Trọng của Xã Hội



Người viết: Yến Nhi – Cựu Nhóm trưởng của nhóm nòng cốt của CLB trẻ tham gia tại CTPTV Hải Lăng
 
Về với huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, có lẽ ấn tượng đầu tiên về nơi này là một vùng cát trắng đầy nắng và gió, đất cát nhiều hơn đất màu. Người dân ở đây, đa số là dân lao động, chân lấm tay bùn, quần quật quanh năm suốt tháng trên ruộng đồng chỉ để kiếm đủ cái ăn cái mặc, lo cho gia đình, con cái. 

Cũng chính vì thế mà các em, đặc biệt là những đứa con sinh ra trên những xã nghèo của huyện như Hải Xuân, Hải Trường, Hải Hòa, Hải Thành, Hải Dương, Hải Quy và Hải Thiện, phải phần nào chịu thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần so với các bạn cùng trang lứa.
   
Nhiều năm về trước, khi mà kinh tế nơi đây vẫn chưa phát triển hay nói đúng hơn là phát triển chậm hơn so với các xã bạn, trình độ dân trí cũng chưa được nâng cao, trong tâm khảm của những bậc cha mẹ ở đây thì “con nít biết gì mà nói” rồi “ lo ăn lo mặc cho rồi, chứ còn học với chả hành gì nữa!”

Bọn trẻ chúng em cũng chỉ biết vâng lời cha mẹ về mọi mặt, không có và cũng không dám nói lên suy nghĩ của bản thân. Vì chúng em chấp nhận rằng mình còn nhỏ và không có quyền gì cả. 

Và một điều nữa đó là với chúng em, việc học không quan trọng bằng việc mò cua, bắt ốc phụ giúp gia đình hay đơn giản chỉ là chúng em thích được nhong nhong giữa đồng ruộng, không bị gò bó bởi những con chữ rắc rối. Có lẽ lúc đó chúng em còn quá nhỏ để nhận thức được tầm quan trọng của việc học và chắc cũng vì một lý do khách quan là chúng em và ngay cả bố mẹ chúng em nữa có quá ít cơ hội tiếp cận với những thông tin đại chúng như quyền học tập, quyền trẻ em.

Phải nói là chúng em đã chưa từng được nghe tới quyền trẻ em và cũng chưa hề được biết rằng trên thế giới có một công ước dành cho trẻ em cho đến khi tổ chức Tầm nhìn Thế giới đặt dự án tại xã chúng em. Tuy không phải là nhiều nhưng cũng đủ để chúng em biết mình có quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc và quyền được tham gia. 

Có lẽ trước đây chưa bao giờ trong thâm tâm chúng em nghĩ rằng sống- được bảo vệ- được chăm sóc- được tham gia lại là quyền của chúng em. Cứ nghĩ chúng do người lớn quyết định, mình chỉ có việc nghe theo thôi cơ chứ! 

Và cũng nhờ Tầm nhìn Thế giới, chúng em đã tự tin hơn rất nhiều. Từ chưa bao giờ dám nói lên ý kiến của mình thì nay, chúng em đã có thể, dù vẫn hơi rụt rè, dám trình bày suy nghĩ của mình với thầy cô, bạn bè, cha mẹ và đặc biệt là khả năng đứng trước đám đông. Kĩ năng thuyết trình và sự năng động của chúng em cũng đã được nâng cao rõ rệt. 

Và cũng nhờ Tầm nhìn Thế giới mà chúng em được tham gia các hoạt động mà chúng em chưa từng được biết đến trước đó- cái mà vượt ra ngoài những trò chơi ô ăn quan, nhảy lò cò quen thuộc. Chúng em đã được tự tổ chức và tham gia sân chơi cuối tuần, những buổi giao lưu, truyền thông, tham hỏi gia đình các bạn khuyết tật, và đặc biệt hơn cả là được quen thêm nhiều bạn bè ở các xã hay xa hơn là ở các huyện khác. 

Còn nhớ lần đầu tiên được cùng mọi người đi tham quan mô hình sân chơi cuối tuần tại Đông Hà, thực sự đó là một trải nghiệm thú vị. Lần đầu tiên em được đi xa mà không có vòng tay ba mẹ bên cạnh. Rồi những lần tham gia diễn đàn, chúng em cũng đã gặt hái được rất nhiều điều, từ kiến thức, sự tự tin, năng động đến bạn bè khắp nơi. Đó là những lần chúng em được sống, sinh hoạt, vui chơi dưới một mái nhà chung mà ở nơi đó chúng em là những chủ nhân, quyết định và tiến hành thực hiện mọi hoạt động dưới sự giám sát của người lớn. 

Cũng từ đó mà chúng em- từ những đứa trẻ quanh năm suốt tháng ở trong làng, trong xã, sống lặng lẽ giờ đã trở thành những người năng động hơn, quyết đoán hơn và có đầu óc biết sắp xếp công việc hơn. Chúng em nhận ra rằng mình là một phần quan trọng của xã hội.

Có lẽ em nói riêng và tất cả các bạn đã tham gia đợt thăm hỏi các bạn khuyết tật trên địa bàn nói chung sẽ chẳng bao giờ quên được những ánh mắt, những gương mặt của các bạn ấy.
 
Thực sự mà nói, với cá nhân em, các bạn ấy đã từng là những nỗi ám ảnh, là nỗi sợ hãi trong suốt một thời gian dài. Bọn bạn em còn hay bày trò để chọc ghẹo các bạn ấy để rồi nhìn cách phản ứng ngây ngô của mấy bạn để phá lên cười. Chúng em có biết đâu, nỗi đau các bạn đang phải chịu đã là quá lớn. hành động của chúng em thực sự là không thể chấp nhận được. 

Nhìn những giọt nước mắt của bạn Lê Đình Lợi, em đã không cầm được nước mắt, nhiều cảm xúc đan xen. Bạn khóc vì không thể được như mọi người, không được sống một cuộc sống bình thường. Em thấy thực sự cuộc sống của mình hiện tại là quá hạnh phúc so với nhiều người. 

Bằng lòng là gia đình không phải là quá khá giả, bằng lòng còn thiếu thốn nhiều thứ nhưng may mắn hơn cả là em được sinh ra với một cơ thể lành lặn. Có ai muốn cuộc đời mình bị gắn bó với chiếc xe lăn, có ai muốn bị kêu bằng cái tên “ con đao”, “ thằng điên” đâu cơ chứ! Nhưng số phận đã nghiệt ngã không cho họ quyền được sống đơn giản đó. Điều đó đã thôi thúc ý thức trong chúng em, em đã không còn sợ các bạn ấy nữa mà thay vào đó là sự cảm thông, muốn chia sẻ.

Tầm nhìn Thế giới không những đã cho chúng em nhiều điều mà còn giúp cho cộng đồng và những người lớn hiểu thêm về quyền trẻ em nữa. Giờ đây, mọi người đã phần nào công nhận vai trò của chúng em trong gia đình, trong xã hội. Chúng em cũng đã và đang được tạo mọi điều kiện để phát triển, cả về học tập lẫn vui chơi.

Còn riêng em, dù bây giờ không còn là thành viên của nhóm trẻ nòng cốt nhưng chắc chắn các kĩ năng học hỏi được từ những tháng ngày hoạt động với tổ chức sẽ theo em đến hết cuộc đời, mà thực tế là khả năng điều hành nhóm trong lớp hiện tại. Nhờ những kĩ năng đó mà em đã có thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả hơn.

Hi vọng tổ chức Tầm nhìn Thế giới sẽ mở rộng quy mô hoạt động để có nhiều hơn các xã dự án, các nhóm trẻ được phổ cập quyền trẻ em. Cảm ơn tổ chức đã mang đến cho chúng em nhiều điều mới lạ và có ý nghĩa.

Share this:

Post a Comment

 
Copyright © 2014 Kiến Thức Phổ Thông. Designed by OddThemes