BREAKING NEWS

Friday, May 19, 2017

Rời bỏ trời Âu, 8X trở về quê hương Đồng Tháp khởi nghiệp, đưa sen hồng từ bùn lầy đến kinh đô ánh sáng Paris


7 năm sau khi du học tại Pháp, khởi nghiệp 2 lần thất bại, người con Đồng Tháp quyết định biến tinh hoa của đất sen thành những sản phẩm có giá trị như hoa sen ướp, tranh từ lá sen…


Các sản phẩm từ sen của anh Ngô Chí Công, CEO Công ty Khởi Minh Thành Công, như hoa sen sấy khô, đồ lót ly, bóp, tranh từ lá sen hiện hiện diện nhiều nơi ở Đồng Tháp, trong các khách sạn sang trọng và cả những cửa hàng lưu niệm.

Tại TP HCM và Paris (Pháp), anh cũng có các cửa hàng trưng bày sản phẩm. Anh Công hy vọng, các sản phẩm của anh trong tương lai sẽ có mặt tại các quốc gia Đông Nam Á và tiến tới các thị trường lớn như Mỹ, Nhật…

Trở về từ Pháp, khởi nghiệp 2 lần và thất bại

Sau 7 năm nghiên cứu trên đất Pháp, anh Công trở về. Lý do như anh từng chia sẻ với báo chí: “Pháp là một đất nước phát triển, mọi thứ gần như ổn định. Do vậy, khi các bạn trẻ muốn thử thách, phấn đấu khởi nghiệp là ít cơ hội. Trong khi đó, Việt Nam đang là nơi thích hợp cho những ai muốn thử thách trên con đường khởi nghiệp”.

Công nhận định, việc khởi nghiệp sẽ khó khăn nhưng anh vẫn bắt đầu.

Lần đầu, Công cùng các bạn góp chung vốn để kinh doanh bánh ngọt ở TP HCM nhưng thất bại. Mà sau này, anh đúc kết ra rằng startup lần 1 không thành công vì hội đồng quản trị nhiều người quá, chi phí mặt bằng quá cao do đi trước nhu cầu của thời đại.

Lần hai, anh thử sức với gốm sứ và công việc kinh doanh này, theo ngôn ngữ của anh là “chết lâm sàng”.

Và khởi nghiệp lần ba: Các sản phẩm từ sen, tinh hoa của quê hương Đồng Tháp

Nếu như cây sen, thứ cây đặc trưng của Đồng Tháp, chỉ mọc nơi đầm lầy hoang hoặc được trồng để bán hoa, lấy hạt thì nay, những bông sen ướp, những bức tranh từ lá sen, dĩa, ví từ sen đã xuất hiện tại nhiều khách sạn sang trọng của Đồng Tháp, TP HCM và sản phẩm cũng được trưng bày tại một đại lý ở Paris hoa lệ.

Hoa sen từ lâu đã được biết đến với hương thơm dịu dàng, nét đẹp thanh khiết nhưng lại sớm nở tối tàn, sớm “gục đầu” sau khi rời khỏi thân cây.

Sau hai lần thất bại, một lần anh đi du lịch Đà Lạt và phát hiện ở đây bán hoa hồng bất tử và được biết một nghệ nhân ở vùng đất hoa này đã làm ra những sản phẩm và có nhiều trăn trở.

Anh nghĩ tại sao bản thân tìm tòi và phát triển các sản phẩm từ sen ở quê nhà. Và vậy là anh nảy ra ý tưởng làm sen ướp tươi để giữ gìn và phát triển hình ảnh hoa sen quê hương.

Công lăn lộn ở các cánh đồng sen tại quê nhà, nghiên cứu về nguyên liệu, giá cả, vận chuyển và bảo quản sen. Công nhận thấy nhu cầu các sản phẩm từ sen rất lớn nhưng thứ hoa này khá “đỏng đảnh”, tàn rất nhanh sau khi cắt khỏi thân cây. Với loại hoa không có đài đỡ hoa như hoa hồng, hoa cúc, hoa sen lại rất nhanh tả tơi.

Bài toán đặt ra là làm sao để khắc phục nhược điểm nhanh tàn này? Và anh nghĩ đến công nghệ giúp hoa có thể sống thọ trong vài tháng.

Chàng thanh niên Đồng Tháp gom tiền và vay mượn thêm để đầu tư kho bảo quản nguyên liệu, phòng thí nghiệm và lò sấy sen.

Các sản phẩm ban đầu còn nhiều khiếm khuyết như màu hoa sen không tươi, cánh khô cứng, thời gian “sống” của hoa sen vẫn ngắn… Chàng trai và các cộng sự lại tiếp tục mày mò và cuối cùng đã khắc phục được nhược điểm và có công thức ướp hoa giúp hoa thọ đến 1 năm mà vẫn giữ được vẻ gần giống như hoa thật.

Tháng 8/2015, Công giới thiệu sản phẩm hoa sen ướp tươi tại Đồng Tháp, sau đó anh mở văn phòng đại diện tại TP HCM. Anh cũng có đại lý tại Pháp.

Hiện nay, Công đã có nhiều sản phẩm từ sen ngoài hoa ướp tươi như tranh lá sen, trà sen, rượu sen. Sắp tới, anh sẽ cho ra đời các sản phẩm lưu niệm từ sen để “người ta nhớ tới Đồng Tháp (đối với du khách trong nước) và tới Việt Nam (đối với du khách ngoại quốc). Cụ thể như nón lá sen, bóp lá sen…

Người trả "món nợ" với Đồng Tháp, với Việt Nam

Trong lễ ký kết hợp tác giữa Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Startup Vietnam Foundation - SVF) và tỉnh Đồng Tháp, SVF đã cam kết sẽ hỗ trợ anh Công để đưa sản phẩm từ sen của anh Công tới nhiều người tiêu dùng hơn, cả trong nước và quốc tế.

Đại diện SVF cho rằng anh Công đang “nợ” Đồng Tháp, bởi cây sen là biểu tượng của tỉnh. Món “nợ” ấy chính là việc anh phải đưa những sản phẩm từ sen không chỉ trong thị trường tỉnh, Việt Nam mà còn ra ngoài thế giới.

Dù năm đầu (2015), doanh nghiệp của anh phải bù lỗ. Năm thứ hai huề vốn nhưng anh Công tin vào điểm sáng của thị trường. Và anh chia sẻ rằng sẽ viết tiếp giấc mơ mang sen tới nhiều vùng của đất nước và tới nhiều nơi trên thế giới.

Theo Trí Thức Trẻ

Share this:

Post a Comment

 
Copyright © 2014 Kiến Thức Phổ Thông. Designed by OddThemes