BREAKING NEWS
Showing posts with label Doanh nhân. Show all posts
Showing posts with label Doanh nhân. Show all posts

Wednesday, July 13, 2016

Tự truyện CEO Starbucks: Xây dựng một hệ thống quản lý công ty là việc tôi cũng không làm được

Một doanh nghiệp không có định hướng hay tầm nhìn cũng như một cái xác không hồn và rất khó để khuyến khích nhân viên làm việc vì một mục tiêu cao đẹp hơn. Tuy nhiên, một công ty không thể hoạt động và lớn mạnh mà chỉ có ý tưởng không được. Rất nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản bởi người quản lý không biết cách điều hành.

Tự truyện CEO Starbucks: Xây dựng một hệ thống quản lý công ty là việc tôi cũng không làm được
Không ai nghi ngờ niềm đam mê của Howard Schultz, CEO Starbucks với cà phê. Tuy nhiên, để một bộ máy ngày càng phình to hoạt động trơn tru, chỉ có niềm đam mê thôi là chưa đủ. Starbucks cần phải có một cơ chế điều hành và quản lý chặt chẽ. Điều này càng quan trọng hơn khi Starbucks luôn phải tiếp xúc với người dùng đầu cuối, vốn khó tính và đôi khi, không biết mình thực sự muốn gì.
Dù sao thì, Howard Shultz có biệt tài nhìn ra điểm mạnh của người khác để bù đắp cho những thiếu sót của ông. Trong cuốn sách “Pour your heart into it” (Dốc hết trái tim), ông đã chia sẻ suy nghĩ của mình về điều này.
Giám đốc tài chính Orin Smith đã từng nói với tôi rằng việc xây dựng hệ thống quản lý cho một doanh nghiệp là rất khó.
Một doanh nghiệp không có định hướng hay tầm nhìn cũng như một cái xác không hồn và rất khó để khuyến khích nhân viên làm việc vì một mục tiêu cao đẹp hơn.
Tuy nhiên, một công ty không thể hoạt động và lớn mạnh mà chỉ có ý tưởng không được. Rất nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản bởi người quản lý không biết cách điều hành.
Hệ thống quản lý, các quy định, trình tự làm việc và những yếu tố cơ bản khác trong công ty là điều cần thiết để xây dụng một doanh nghiệp trước khi những ý tưởng được thực hiện và tầm nhìn của nhà quản lý được thực thi.
Đây quả là một điều khó khăn với đội ngũ quản lý như chúng tôi. Tôi đã luôn lo sợ rằng khi công ty mở rộng và trở nên lớn mạnh, Starbucks sẽ trở nên quan liêu, cứng nhắc và chỉ chú trọng đến những lợi ích thực tế thay vì những giá trị phi vật thể mà các nhà sáng lập ban đầu hướng tới.
Để thành công, tôi cho rằng các mô hình kinh doanh cần cân bằng giữa 2 yếu tố: niềm đam mê, những giá trị phi vật thể và hệ thống quản lý chặt chẽ, tập trung vào những lợi ích thực tế.
Vì vậy, những doanh nhân thành đạt là những người hiểu tầm nhìn cũng như ý tưởng của mình là gì, đồng thời biết phải cần một hệ thống quản lý cũng như cơ cấu công ty như thế nào để hiện thực hóa chúng.
Đối với tôi, việc xây dựng một hệ thống quản lý và cơ cấu công ty yêu cầu những kỹ năng mà tôi không có đầy đủ. Chúng cũng không phải là niềm đam mê của tôi.
Theo tôi, một nhà sáng lập có tầm nhìn nên tìm kiếm một nhà quản lý giỏi để thiết lập hệ thống cơ cấu kinh doanh mà không làm ảnh hưởng quá nhiều đến những giá trị phi vật thể mà ban đầu đặt ra. Tuy nhiên, người quản lý này cũng phải hiểu được tầm quan trọng của những quy định cứng nhắc cũng như những suy nghĩ thực tế trước các ý tưởng và tầm nhìn cao xa.
Tại Starbucks, ông Orin là một nhà quản lý như vậy. Phong cách làm việc của ông Orin khá trầm tĩnh, vững chắc và chăm chỉ. Ông ấy luôn mang theo một cuốn sổ và một chiếc bút để ghi chú lại các vấn đề phát sinh, sau đó suy nghĩ cẩn thận trước khi đưa ra phương án giải quyết ổn thỏa nhất.
Khác với ông Orin khi luôn lắng nghe cẩn thận và thu thập mọi thông tin có thể, tôi lại là người có thiên hướng ra quyết định nhanh chóng và bắt tay vào làm ngay lập tức.
Khi ông Orin gia nhập Starbucks vào năm 1990, hệ thống quản lý của công ty khi đó vẫn chưa được chuyên nghiệp hóa. Thời kỳ đó, Starbucks vẫn còn là một doanh nghiệp non trẻ.
Dẫu vậy, dù đã gia nhập Starbucks nhưng ông Orin không biến chúng tôi thành một tổ chức có cơ ấu hoạt động chuyên nghiệp cứng nhắc mà bỏ qua những giá trị ban đầu. Thay vào đó, ông Orin thiết lập một hệ thống quản lý linh động, vừa đủ tầm cho một công ty còn mới như Starbucks, đảm bảo mọi việc tiến hành theo quy định nhưng vẫn không làm mất đi bản sắc văn hóa của doanh nghiệp.

Ông Orin Smith
Ông Orin đã thuê những nhân viên chuyên ngành làm thời vụ cho các vị trí quan trọng như kế toán, tài chính, thuế và luật pháp, quản lý thông tin... và dần chuyên nghiệp hóa các khâu hoạt động của công ty.
Trong quá trình hoàn thiện cơ cấu tổ chức với Orin, tôi nhận ra rằng việc chuyên nghiệp hóa và tổ chức một bộ máy chặt chẽ không hoàn toàn xấu. Thay vào đó, chúng khiến Starbucks lớn mạnh và giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian giải quyết những vấn đề nhỏ cho những mục tiêu quan trọng hơn.
Khi Starbucks phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đội ngũ lãnh đạo của chúng tôi được truyền thông chú ý nhiều hơn. Theo họ, tôi chỉ là một nhà sáng lập trẻ mới 38 tuổi với niềm đam mê, nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm và thực tế. Tuy nhiên, khi nhìn sang Orin, họ thấy một nahf lãnh đạo 50 tuổi ổn định, đáng tin cậy, và sẵn sàng giải thích mọi vấn đề về số liệu hay kỹ thuật cho nhà đầu tư.
Ý tưởng của tôi và sự điều hành của Orin đã kết hợp hoàn hảo nhằm tạo nên thành công cho Starbucks. Công ty vẫn giữ được những giá trị vốn có trong khi đạt được lợi nhuận thực tế.
Rất nhiều doanh nghiệp đã không thành công để có thể IPO hoặc sống sót sau IPO. Nguyên nhân là họ không giữ được những giá trị vốn có để khuyến khích nhân viên làm việc khi thiết lập một hệ thống kinh doanh quá thực tế, hoặc quá mù quáng theo đuổi những ý tưởng cao xa mà xa rời thực tại.
Ông Orin như là một hậu phương vững chắc của Starbucks cho thành công của công ty, qua đó giúp tôi tập trung được vào những mục tiêu khác. Tại Starbucks, các cửa hàng chi nhánh, thương hiệu, phong cách... là những thành công và sự hào nhoáng bên ngoài, trong khi chính sự vững mạnh của hậu phương mới làm nên thành công về tài chính cho công ty như ngày hôm nay.
Rõ ràng, ông Orin đã đóng góp to lớn cho sự thành công của Starbucks. Nếu không có nhà quản lý này, tôi đã không có được những gì như hôm nay.

Friday, July 1, 2016

Thất bại với fastfood hiện giờ chưa thấm gì so với 30 năm sóng gió thương trường mà "vua hàng hiệu" Hạnh Nguyễn đã trải qua

Nổi tiếng với mỹ danh “Vua hàng hiệu” nhưng có lẽ ông Johnathan Hạnh Nguyễn lại không gặp thời khi kinh doanh nhượng quyền fastfood.




Ông Johnathan Hạnh Nguyễn
Mảng kinh doanh nhượng quyền những năm qua ngốn không ít tiền của ông Hạnh Nguyễn, nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng.
Burger King đang khó tứ bề, đóng cửa liên tục ở Sài Gòn và Hà Nội, và mất dấu hẳn ở Đà Nẵng và Đồng Nai. Domino’s Pizza và Popeyes Chicken vẫn đang nặng nợ. Dunkin' Donuts, Illy chỉ mới vừa hòa vốn.
Cùng nhìn lại những thăng trầm trên thương trường của vị doanh nhân này để thấy rằng những khó khăn hiện tại với fastfood chưa là gì so với những sóng gió mà ông từng nếm trải trên thương trường suốt 30 năm qua.
Với những kinh nghiệm này, biết đâu vị doanh nhân này sẽ có cách xoay chuyển tình thế bí bách hiện tại.
10 năm thâm niên làm thanh tra tài chính cho Boeing Subcontractors
Johnathan Hạnh Nguyễn sinh năm 1951 tại Nha Trang và là con trưởng trong một gia đình có 8 anh chị em. Cha ông là người kinh doanh đa nghề nổi tiếng trước năm 1975 từ thuốc tây, bảo hiểm, ngân hàng, xuất khẩu gỗ… Từ khi còn đi học, ông được cha mình rèn giũa kinh doanh, vào rừng cùng các chuyên gia Nhật để học đo đạc, chọn gỗ xuất khẩu.
Năm 23 tuổi, ông sang định cư tại Philippines rồi sau đó đi du học Mỹ. Trước khi khởi nghiệp kinh doanh, ông có thâm niên 10 năm làm thanh tra tài chính cho Boeing Subcontractors.
Lập công lớn khi mở đường bay Philippines, nhưng 4 năm kinh doanh hàng không chịu lỗ đến 5 triệu USD
Năm 29 tuổi, ông Johnathan Hạnh Nguyễn kết hôn với cháu gái của Tổng thống Philippines Marcos.
5 năm sau, ông là người có công lớn khi giúp mở đường bay TPHCM – Manila. Điều này có ý nghĩa thực sự quan trọng, bởi thời kỳ thập niên 1980, Việt Nam chịu lệnh cấm vận của Mỹ và chỉ có 2 cửa ngõ hàng không để đi ra thế giới là Việt Nam – Bangkok và Việt Nam – Moscow.
Nhằm phá vỡ sự bế tắc trong giao thương, Chính phủ đã tìm nhiều cách thiết lập đường bay mới sang một số quốc gia Đông Nam Á, nhưng vì nhiều lý do cả về kinh tế lẫn chính trị mà vẫn không thể thành công. Trong tình hình lúc đó, hồ sơ xin cấp phép đường bay qua đường ngoại giao gần như bị khép lại vì phía Philippines không hồi âm, ông Hạnh Nguyễn là đầu mối gần như duy nhất có thể tiếp cận Tổng thống Philippines.
Dù là người quan trọng được “chọn mặt gửi vàng” trong quá trình xúc tiến nhưng ngay cả bản thân ông Johnathan Hạnh Nguyễn ban đầu cũng rất sợ trái lệnh tổng thống. Sợ là vì bên phía Philippines, ủng hộ mở đường bay hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của ông Marcos. Lúc này Philippines đang áp dụng chế độ thiết quân luật. Tổng thống Marcos từng khẳng định không có lý do gì để chấp nhận mở đường bay cả và lệnh không được trình lên nữa. Ai trái lệnh sẽ bị bắt nhốt.
Ông Hạnh Nguyễn những năm 1980. Ảnh: FBNC
Ông Hạnh Nguyễn những năm 1980. Ảnh: FBNC
Ông Hạnh Nguyễn đã thành công khi trình bộ hồ sơ cho Tổng thống Marcos. Ngày 4/9/1985, Tổng thống Marcos thông qua quyết định mở đường bay giữa TPHCM và Manila. Chuyến bay đầu tiên mang về 30 tấn thuốc men, hàng hóa, quà biếu của các Việt kiều gửi về cho thân nhân. Ngày hôm ấy đã mở ra một cơ hội mới cho ngành hàng không dân dụng Việt Nam, nhưng cũng là ngày “người đi mở đường bay” đối mặt “án tử” lơ lửng trên đầu.
Đường bay TPHCM – Manila đã đặt nền móng để ông Johnathan Hạnh Nguyễn đặt chân vào thương trường, bắt đầu bằng chính việc thuê máy bay của Vietnam Airlines để chuyên chở hàng hóa với giá khoảng 32.000 USD/lượt khứ hồi. Vạn sự khởi đầu nan, ông lỗ khoảng 5 triệu USD vì kinh doanh hàng không trong giai đoạn 1985-1988.
5 năm đầu tư đa ngành: kinh doanh siêu thị, cửa hàng miễn thuế nhưng tiêu thụ chậm
Sang những năm 1990, ông Hạnh Nguyễn rút chân ra khỏi kinh doanh hàng không nhưng ông đảm nhận vị trí quan trọng của Philippines Airlines, từ Giám đốc khu vực Đông Dương, sau đó là cố vấn của Tập đoàn. Sau hàng không, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chuyển sang kinh doanh đa ngành, như lập liên doanh lắp ráp ô tô Hòa Bình (Hà Nội), xuất khẩu song mây, sản xuất dây khóa kéo, xây khách sạn, làm bếp ga… Ông tự nhận mình “đầu tư như điên” trong giai đoạn đó.
Sau đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chuyển huớng sang kinh doanh siêu thị, cửa hàng miễn thuế. Gia đình của ông đã mở hệ thống Citimart, Maximark, Miền Đông và Bình Dân. Trong đó, Citimart là mô hình siêu thị mua sắm tự chọn đầu tiên tại Việt Nam, bán hầu hết các sản phẩm nhập khẩu.

Bà Ánh Hoa và Ánh Hồng, chị em gái của ông Hạnh Nguyễn, 2 nữ sáng lập hệ thống siêu thị Maximark và Citimart. (Hiện Maximark đã về tay Vingroup, Citimart bán 49% cho AEON).
Bà Ánh Hoa và Ánh Hồng, chị em gái của ông Hạnh Nguyễn, 2 nữ sáng lập hệ thống siêu thị Maximark và Citimart. (Hiện Maximark đã về tay Vingroup, Citimart bán 49% cho AEON).
Thời kỳ này, việc đưa hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam rất khó khăn vì các cá nhân xuất cảnh bắt buộc phải xin visa. Nhưng nhờ là người khai thông đường bay, 8 thành viên trong gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn được nhận phần thưởng là 8 cuốn hộ chiếu “ đặc biệt”, được phép xuất cảnh mà không cần xin visa, nhờ đó gia đình ông có nguồn hàng để đưa về Việt Nam.
Hệ thống cửa hàng miễn thuế sau đó được phát triển tới nhiều tỉnh dọc biên giới như Tịnh Biên, Mộc Bài, Lao Bảo, Lào Cai… Thế nhưng, các mặt hàng miễn thuế lại tiêu thụ khá chậm, chủ yếu chỉ bán được những loại có thuế suất cao như rượu, thuốc lá… Do đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn bắt đầu phân phối rượu cao cấp từ năm 1995.Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là người chu du rất nhiều nước trên thế giới. Điều đó giúp ông nhận thấy tại các sân bay luôn có cửa hàng miễn thuế. Đó chính là lý do khiến ông làm điều tương tự tại sân bay Nội Bài năm 1993.
"Vua hàng hiệu" chờ đợi mòn mỏi 20 năm mới được bán hàng hiệu
Chính nhờ rượu cao cấp, ông thâm nhập được vào thế giới kinh doanh thời trang xa xỉ, khi tập đoàn mẹ của hãng rượu (LVMH) đồng thời sở hữu nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng như Louis Vuitton, Bulgari, Christian Dior, Fendi… Đến nay, “ông vua hàng hiệu” đã nắm trên dưới 40 thương hiệu cao cấp. Theo ông nhẩm tính, nếu tính riêng nhóm cao cấp thì tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) của ông chiếm khoảng 70% thị phần, còn nếu tính toàn bộ dòng trung – cao cấp thì khoảng 40%.

Trung tâm Rex Arcade - địa điểm bán hàng hiệu đầu tiên của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Trung tâm Rex Arcade - địa điểm bán hàng hiệu đầu tiên của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Tại TPHCM, các mặt hàng đắt đỏ được đặt tại trung tâm cao cấp Rex Arcade. Đây chính là không gian bán hàng hiệu đúng nghĩa đầu tiên của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bởi, thực tế ông chỉ mới kinh doanh hàng hiệu đúng nghĩa được 7 năm, còn suốt 20 năm trước là khoảng thời gian chờ đợi.
Kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, các thương hiệu lớn mới ồ ạt đề nghị phát triển đồng loạt tại nội địa, chứ không còn ở các cửa hàng miễn thuế. Hầu hết hàng hiệu bán tại Rex Arcade đều có giá từ vài trăm USD đến vài chục nghìn USD. Ngay trong năm đầu tiên, Rex Arcade đã có doanh thu cao hơn 38% so với dự kiến.
Và 30 năm sau, ông Hạnh Nguyễn đã hiện thực hóa được giấc mơ ngày trẻ của mình. Tập đoàn IPP đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng để cải tạo Tràng Tiền Plaza, biến nơi đây thành trung tâm mua sắm hàng hiệu đẳng cấp quốc tế. Chưa hết, số tiền hoàn thiện cho 112 gian hàng và trưng bày hàng hóa của doanh nghiệp và các đối tác lên tới 150 triệu USD.Tại Hà Nội, các thương hiệu thời trang và mỹ phẩm do IPP quản lý lấp đầy 2 tầng của Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, khu mua sắm có vị trí đắc địa nhất nhì thành phố. Ông Hạnh Nguyễn đặc biệt yêu thích Tràng Tiền Plaza. “Năm 1984, khi tôi về nước và ra thăm Hà Nội, tôi đã thích Trung tâm Bách hóa Tổng hợp Tràng tiền. Lúc đó, tôi ấp ủ giấc mơ có ngày sẽ tham gia cải tạo toàn bộ trung tâm này để mang lại diện mạo mới cho Hà Nội”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, Tràng Tiền Plaza vẫn còn quá nhỏ bé so với những tham vọng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn. “Tràng Tiền như một bức tranh tôi vẽ mà thiếu giấy vậy, diện tích chừng đó, tôi không đủ chỗ để thiết kế, bày hàng. Tâm huyết của tôi là một trung tâm hàng hiệu hoành tráng, đúng nghĩa, một nơi đủ rộng, đủ lớn để quy tụ tất cả các thương hiệu cao cấp của thế giới về đây”.

Dành đến 400 tỷ để cải tạo Trung tâm thương mại Tràng Tiền nhưng với ông Hạnh Nguyễn, Tràng Tiền Plaza vẫn như một bức tranh thiếu giấy...
Dành đến 400 tỷ để cải tạo Trung tâm thương mại Tràng Tiền nhưng với ông Hạnh Nguyễn, Tràng Tiền Plaza vẫn như một bức tranh thiếu giấy...
Các tiêu chuẩn về vị trí của một sản phẩm hàng hiệu đẳng cấp là rất khắt khe. Theo ông Hạnh Nguyễn, Chanel không thể đặt cửa hàng tại Tràng Tiền bởi họ cần cửa hàng diện tích tới 400m2 và bắt buộc phải ở tầng 1 của trung tâm thương mại. Ngoài ra, một gian hàng của thương hiệu lớn phải mất từ 6-9 tháng thi công, hoàn thiện, trong khi thông thường thời gian chỉ cần 1-2 tháng là hoàn tất. Các thương hiệu lớn không muốn có bất kỳ sơ suất nhỏ nào lúc mở cửa, để đảm bảo đẳng cấp của mình được đồng bộ trên toàn thế giới.
Dù vậy, các mặt hàng thời trang đắt đỏ cũng không hẳn là con gà đẻ trứng vàng. Với giá bán mỗi sản phẩm từ vài ngàn tới vài chục ngàn USD, người mua chủ yếu thuộc giới nhà giàu mới nổi, những ngôi sao giải trí và khách du lịch. Trong khi đó, tỷ lệ nhóm người này tại Việt Nam chưa quá nhiều. Do đó, tỷ suất lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí đầu tư vào các cửa hàng chỉ còn khoảng 3-5% và thường một thương hiệu thời trang của ông Hạnh Nguyễn mất khoảng 5 năm để hòa vốn.
5 năm kinh doanh nhượng quyền fastfood: Đầu tư 100 triệu USD, vẫn lỗ dài
Lấn sân sang một lĩnh vực mới là kinh doanh nhượng quyền, ông Hạnh chính thức bắt tay với Domino’s Pizza từ năm 2010, sau đó 2 năm là Burger King, Popeyes và Dunkin’ Donuts, kèm theo tuyên bố sẽ đầu tư 100 triệu USD vào ngành fastfood.
Nếu năm ngoái ông Hạnh đã phải than Domino's Pizza "nặng nợ", thì năm nay thương hiệu này càng khiến ông buồn lòng hơn khi dính scandal nhập nguyên liệu quá hạn. Mặc dù phía nhà cung cấp cũng như đơn vị nhận nhượng quyền thương hiệu Domino’s Pizza đã đính chính lỗi này là do nhân viên đóng nhầm dấu hạn sử dụng năm 2016 thành năm 2013 (dấu sử dụng thủ công, số ngày, tháng, năm tự xoay), nhưng tổn hại về thương hiệu là không thể tránh khỏi.Năm 2015, tức sau 5 năm đầu tư vào nhượng quyền fastfood, ông Hạnh Nguyễn phải thú nhận rằng, nhượng quyền là mảng kinh doanh IPP đang gặp nhiều thách thức nhất. Đến nay chỉ Dunkin' Donuts, Illy đạt tới điểm hòa vốn. Popeyes Chicken và Domino's Pizza "nặng nợ". Burger King gặp khó tứ bề.
Burger King lại càng khiến ông Hạnh đau đầu hơn, khi số vốn dự định đầu tư lên đến 40 triệu USD nhưng chẳng có cơ hội giải ngân. Mục tiêu 60 nhà hàng sau 5 năm kinh doanh của Burger King Việt Nam gần như đổ bể, khi đã qua 4 năm mà con số thực tế mới là 13. Dự kiến ban đầu Burger King Việt Nam sẽ đạt điểm hòa vốn sau 5 năm, nhưng IPP phải dự phóng thành 7 năm.
Trước muôn vàn khó khăn, từ giữa năm ngoái, thị trường rộ lên tin đồn doanh nhân Hạnh Nguyễn muốn rút chân ra khỏi cuộc chơi nhượng quyền khi tính toán bán "combo" Burger King kèm Dunkin' Donuts. Tuy nhiên, trả lời Forbes Việt Nam về vấn đề này, ông Hạnh phủ nhận: "Tôi chỉ bán cái gì có lãi, bán cái lỗ sẽ bị người ta ép".
“Kinh doanh là phải chịu đựng”
Rõ ràng, không phải mảng kinh doanh nào của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng có lãi. Chính ông thừa nhận, hoạt động của IPP lãi có, lỗ có và chiến lược của ông là bù đắp qua lại, nên tất cả vẫn “cùng sống”. Với tầm nhìn đầu tư dài hạn, ông Johnathan Hạnh Nguyễn rất lạc quan về tương lai của Tập đoàn IPP, đặc biệt là khi TPP, điều ông chờ đợi suốt 10 năm qua, được ký kết.
“10 năm qua bán hàng hiệu tôi kinh doanh với quan điểm là phải chịu đựng. Tức cả tôi và đối tác đều chấp nhận mức lãi rất thấp để nuôi thị trường tương lai. Chúng tôi kinh doanh lớn, doanh số lớn nhưng lãi thì rất thấp, bởi thuế đánh vào hàng hiệu rất cao”, ông chia sẻ.
Các mặt hàng thời trang thường chỉ 6 tháng là lỗi mốt. Khi đó, các mặt hàng này cần được xuất ngược trả lại các đối tác. Tuy nhiên, khi TPP được ký kết, Việt Nam gia nhập thị trường chung, thuế giảm, ông Hạnh Nguyễn sẽ không phải tốn kém chi phí xuất ngược các mặt hàng thời trang lỗi mốt về lại cho các đối tác mà có thể mở cửa hàng tại chính Việt Nam. Người dân sẽ có điều kiện sử dụng hàng hiệu với giá mềm.
Vào TPP, người bán hàng hiệu như ông Hạnh Nguyễn sẽ là những người hạnh phúc nhất.
 
Copyright © 2014 Kiến Thức Phổ Thông. Designed by OddThemes